Mỗi năm, vào ngày 28/3, người dân Việt Nam lại cùng hướng về một sự kiện quan trọng trong lịch sử đất nước – ngày truyền thống của lực lượng Dân quân tự vệ. Được thành lập trong những năm tháng đấu tranh gian khó, lực lượng này đã đóng vai trò không nhỏ trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về ngày 28/3 là ngày gì, lịch sử ra đời cũng như ý nghĩa đặc biệt của ngày 28/3 đối với người dân Việt Nam.
1. 28/3 là ngày gì?
Ngày 28/3 hằng năm được chọn là ngày truyền thống của lực lượng Dân quân tự vệ trên toàn quốc. Đây là dịp quan trọng nhằm tôn vinh những đóng góp to lớn của lực lượng này trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, khẳng định vai trò quan trọng của họ đối với nền quốc phòng toàn dân.
Lực lượng Dân quân tự vệ (DQTV) là một bộ phận quan trọng của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là lực lượng quần chúng không tách rời khỏi hoạt động sản xuất, công tác, đóng vai trò nòng cốt trong chiến tranh nhân dân và nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc phòng tại các địa phương.

2. Nguồn gốc, ý nghĩa ngày Truyền thống Dân quân tự vệ
Như vậy bạn đã biết 28/3 là ngày gì, đây là ngày kỷ niệm rất quan trọng đối với lực lượng quân đội Việt Nam nói riêng và người dân Việt Nam nói chung. Những nội dung tiếp theo đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về nguồn gốc và ý nghĩa ngày 28/3.
Nguồn gốc
Ngày 28/3/1935, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ nhất diễn ra ở Ma Cao (Trung Quốc), Đảng ta đã thông qua Nghị quyết về đội tự vệ, đánh dấu cột mốc quan trọng trong sự hình thành của lực lượng Dân quân tự vệ.
Trong những năm tháng đấu tranh vì độc lập dân tộc, lực lượng này không ngừng phát triển mạnh mẽ, với quân số lên đến hàng chục nghìn người. Họ đã góp phần quan trọng vào cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Không chỉ trong thời chiến, lực lượng Dân quân tự vệ còn đóng vai trò thiết yếu trong công tác bảo vệ an ninh, giữ gìn trật tự xã hội trong thời bình.

Ý nghĩa
Sự ra đời của lực lượng Dân quân tự vệ thể hiện tư tưởng chiến tranh nhân dân và chiến lược vũ trang toàn dân do Đảng và Nhà nước lãnh đạo. Phong trào toàn dân đánh giặc đã được triển khai hiệu quả, góp phần làm nên những chiến thắng quan trọng trong lịch sử đấu tranh của dân tộc.
Hiện nay, Dân quân tự vệ vẫn giữ vai trò nòng cốt trong việc bảo vệ chủ quyền, duy trì an ninh trật tự và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Hoạt động kỷ niệm ngày truyền thống Dân quân tự vệ
Hàng năm, vào ngày 28/3, các cơ quan, đoàn thể trên cả nước tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm kỷ niệm ngày truyền thống của lực lượng Dân quân tự vệ. Những buổi lễ trang trọng được tổ chức để tri ân và tôn vinh các cán bộ, chiến sĩ Dân quân tự vệ có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Ngoài ra, công tác tuyên truyền về lịch sử hình thành và phát triển của lực lượng Dân quân tự vệ cũng được chú trọng. Thông qua các hoạt động này, thế hệ trẻ được nâng cao nhận thức về truyền thống hào hùng, từ đó tiếp nối tinh thần yêu nước và trách nhiệm bảo vệ đất nước.
3. Một số câu hỏi về ngày truyền thống Dân quân tự vệ
Lực lượng Dân quân tự vệ là gì?
Dân quân tự vệ là một lực lượng vũ trang quần chúng gắn liền với đời sống lao động, sản xuất và công tác. Khi được tổ chức tại địa phương, lực lượng này được gọi là dân quân, còn khi thuộc các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp hoặc tổ chức kinh tế thì gọi là tự vệ.

Các thành phần của lực lượng Dân quân tự vệ
Lực lượng Dân quân tự vệ được chia thành 5 bộ phận chính, mỗi bộ phận đảm nhiệm một vai trò quan trọng như sau:
- Dân quân tự vệ tại chỗ: Hoạt động tại các thôn, ấp, bản, làng, buôn, bon, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố, khóm, thôn và trong các cơ quan, tổ chức.
- Dân quân tự vệ cơ động: Được giao nhiệm vụ cơ động trên những địa bàn cụ thể theo sự chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.
- Dân quân thường trực: Hoạt động tại các khu vực trọng yếu về quốc phòng, đảm bảo an ninh, trật tự.
- Dân quân tự vệ biển: Là lực lượng hoạt động trên các vùng biển, hải đảo nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia.
- Dân quân tự vệ chuyên ngành: Bao gồm các lực lượng đảm nhiệm những nhiệm vụ đặc thù như phòng không, pháo binh, trinh sát, thông tin liên lạc, công binh, phòng hóa và y tế.

Đối với lực lượng Dân quân tự vệ, luật Dân quân tự vệ năm 2020 đã nêu rõ về 7 nhiệm vụ quan trọng mà lực lượng này đảm nhiệm bao gồm:
- Sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu và phục vụ chiến đấu để bảo vệ địa phương, cơ sở; phối hợp với các đơn vị bộ đội biên phòng, hải quân, cảnh sát biển và lực lượng khác bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia và chủ quyền, quyền chủ quyền trên các vùng biển Việt Nam.
- Phối hợp với các đơn vị quân đội nhân dân, công an nhân dân và lực lượng khác trên địa bàn tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, khu vực phòng thủ; giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ Đảng, chính quyền, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, tài sản của nhà nước.
- Thực hiện nhiệm vụ huấn luyện quân sự, giáo dục chính trị, pháp luật, hội thi, hội thao, diễn tập.
- Tham gia thực hiện các biện pháp về chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng theo quy định của pháp luật, quyết định của cấp có thẩm quyền.
- Phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, cháy, nổ; tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường và nhiệm vụ phòng thủ dân sự khác theo quy định của pháp luật.
- Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng, an ninh; tham gia xây dựng địa phương, cơ sở vững mạnh toàn diện, thực hiện chính sách xã hội.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.